Uy nghiêm thi cử thời xưa

Cập nhật lúc: 14:03 13/01/2014

Uy nghiêm thi cử thời xưa

Uy nghiêm thi cử thời xưa

 

Việc thi cử ngày xưa được nhà vua quan tâm đến dự, các quan vừa có tài vừa có tâm đảm trách, để tuyển chọn những người hiền tài phục vụ đất nước. Không chỉ trừng phạt những thí sinh gian dối trong khi thi, sau này, nếu bị phát hiện, sẽ bị tước hết danh sắc, và vĩnh viễn cấm tham gia vào việc quan viên (cấm làm quan lớn hay nhỏ

 

Trường thi Đình ( Samuel Baron vẽ năm 1685 )

Thi cử là việc đại sự

Sau khi đất nước đã yên ổn, Gia Long bắt đầu quan tâm tới việc thi cử để tìm nhân tài. Từ khoa thi đầu tiên dưới thời Gia Long (1807) đến khoa thi cuối cùng thời Khải Định (1919), nhà Nguyễn tổ chức được 42 khoa thi Hương, 39 kỳ đại khoa, chỉ lấy đỗ 2 bảng nhãn, 9 thám hoa, 547 tiến sĩ…

Dựa vào nếp cũ, năm 1807, thời Gia Long định phép thi Hương và thi Hội, phép thi và danh vị những người thi đỗ vẫn theo quy chế nhà Lê. Gia Long mở được 3 khoa thi Hương vào các năm 1807, 1813 và 1819 lấy đỗ 256 hương cống và hơn 1.000 sinh đồ, còn thi Hội ông chưa mở được khoa nào. Đến đời Minh Mạng, năm 1821 mở Ân khoa thi Hương, năm 1822, mở Ân khoa thi Hội, Minh Mạng còn xuống chiếu đổi danh sắc, Hương cống gọi là cử nhân, Sinh đồ là tú tài.

Năm 1829, Minh Mạng cho lấy thêm danh hiệu phó bảng trong các kỳ thi Hội, tuy quyền lợi không bằng tiến sĩ, nhưng vẫn được trọng thị. Do hoàn cảnh nhiễu nhương, vua Hàm Nghi, Đồng Khánh không mở được khoa thi nào, Thành Thái lên ngôi, khoa thi tiến sĩ lại được tiến hành như thường lệ. Những khoa thi thời Duy Tân bị phê phán vì đã thêm môn thi tiếng Pháp và luận quốc ngữ, những khoa thi dưới triều Khải Định càng bị phê phán hơn, vì không hợp thời thế, khoa thi Hội năm 1919 là khoa thi cuối cùng.

Trong hồi ký, S. Baron là một nhà báo người Hòa Lan, thuật lại - Sáng ngày thi, Thượng thiết ty đặt ngai vua ở chính giữa điện Kính Thiên, đặt hương án và bàn ở trước ngự tọa, xung quanh quân lính cầm cờ theo nghi thức. Hồi trống đầu, các đại thần văn võ tiến vào chầu, đến hồi trống thứ hai, Vua đến điện Kính Thiên, vua ngồi ngự tọa. Quan Tư lễ giám đem tờ chế sách giao cho quan Tuyên chế, đọc xong, quan Tuyên chế lại đem chế sách đến dâng lại cho quan Tư lễ giám. Lễ xong, vua mới hồi cung.

Uy nghiêm bậc nhất

Theo Phan Huy Chú viết về thi Đình thời nhà Nguyễn, sau khi làm lễ khai mạc xong, vua về cung, các quan cũng ra về. Chỉ để lại hai ông quan võ canh giữ, họ là quan to nhưng là quan võ, không đủ chữ nghĩa để "gà bài" cho các thí sinh. Về phần mình, Ngô Tất Tố tả thi Đình diễn ra ở Tả vu và Hữu vu điện Cần Chánh, các thí sinh quỳ ở sân để lĩnh đầu bài, sau đó đem về chiếu ngồi của mình mà viết. Trong “Lều chõng ”, Chu Thiên tả kỳ thi ở điện Thái Hòa, quan dẫn đạo dẫn thí sinh vào quỳ, sau khi được Vua truyền cho "đăng điện đối sách" các Nho sinh đứng dậy bước lên điện. Trên điện đã có sẵn chiếu, khi Vua cho phép "khai độc chế sách" các thí sinh mới cầm đầu bài mở xem.

Từ nửa đêm trước hôm thi, các quan lên ghế cao trước cổng để chứng kiến lễ điểm danh, bọn lính Thể sát khám xét tất cả thí sinh, từ khoa thi Hương đầu tiên của nhà Nguyễn (1807) đã cấm thí sinh không được mang sách vào trường, không được rời khỏi lều.

Nếu mượn người làm bài, hay làm bài thay người khác đều bị tội đồ, trước năm 1826 tội này chỉ bị đóng gông, đánh rồi đuổi ra, nhưng từ 1831 ai phạm tội sẽ bị gông một tháng, mãn hạn đánh 100 trượng rồi mới tha. Nếu chỉ lỡ mang giấy có chữ vào trường thi, nhưng không phải văn bài làm sẵn hay kinh sách thì bị đánh 40 roi rồi cho vào thi.

Trường quy được đặt ra, phạm tội nhẹ thì bị đánh hỏng, tội nặng tên phải nêu lên bảng con, là một cái bảng bằng phên tre, trét vôi trắng, dài độ 3 thước, ngang độ ba gang, ghi tên những người can tội phạm húy, bất túc v.v..

Luật thi cử rất nghiêm túc, trước mỗi khoa thi, các thí sinh phải nộp ba quyển cho ba kỳ thi đầu, trên mặt quyển phải khai tên tuổi của mình và ông cha ba đời v.v... nộp vào trường thi các ông Đề tuyển làm phận sự rọc phách, đánh dấu rồi xé đôi tờ khai, cất phần có tên tuổi thí sinh đi. Khi chấm xong mới ráp phách và biết tên người thi. Khảo quan chỉ được chấm bài khi đã rọc phách, và không giữ việc rọc phách.

Đối với các vị quan đảm trách việc thi cử, nếu xảy ra sai phạm, tùy theo vụ việc mà trị tội, có thể cách hết chức tước và bị đi đày. Sau này, nếu những người đỗ Cử nhân, Tú tài, Giám sinh nếu phát hiện thi cử gian dối, đều bị xóa tên trong sổ Danh sắc, trở thành bạch đinh (dân thường ), vĩnh viễn không được làm việc ở các nha môn ( làm quan).

Ngẫm lại chuyện thi cử ngày xưa, ắt hẳn vẫn còn thu được rất nhiều bài học quý trong việc đào tạo nhân tài, sử dụng nhân lực của buổi hiện đại hôm nay…