Quan chức Bộ GD-ĐT, các chuyên gia uy tín đang giao lưu trực tuyến với độc giả báo điện tử VTC News để giải đáp về kỳ thi quốc gia 2015.

Cập nhật lúc: 16:02 12/09/2014

Quan chức Bộ GD-ĐT, chuyên gia trả lời về kỳ thi quốc gia 2015

 

(VTC News) – Quan chức Bộ GD-ĐT, các chuyên gia uy tín đang giao lưu trực tuyến với độc giả báo điện tử VTC News để giải đáp về kỳ thi quốc gia 2015.

 

 
Trực tuyến: Quan chức Bộ GD-ĐT, chuyên gia trả lời về kỳ thi quốc gia 2015
Đang diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với các quan chức Bộ GD-ĐT và các chuyên gia về kỳ thi quốc gia 2015 


- Như mọi năm chúng em sẽ có hai đề văn khối C, D khác nhau nhưng năm nay theo em được biết sẽ chỉ còn một đề. Hiện tại, em đang theo học văn khối D vậy làm thế nào để học tốt được môn Văn?(Phạm Khánh Huyền - Nam Định)

Cô Phạm Thị Thu Phương: Về cơ bản em nên học chắc kiến thức trên lớp, các thầy cô ngày việc cung cấp kiến thức có thể cung cấp thêm các kỹ năng làm bài theo hướng ra đề mới, đây sẽ là nền tảng cơ bản. Ngoài ra em có thể học thêm, xem thêm trên các trang trực tuyến. Ví dụ như trang tuyensinh247.

- Khi nào bộ công bố “Quy chế tuyển sinh 2015” và năm nay bộ có phát hành cuốn “ Những điều cần biết về “Kỳ thi THPT quốc gia 2015” nữa không? Nếu có thì khi nào ạ? (Phạm Hùng)

Ông Trần Văn Kiên: Quy chế tuyển sinh 2015 hiện nay bên Cục khảo thí đang khẩn trương xây dựng và trình lãnh đạo Bộ ban hành, dự kiện đầu năm 2015. Về thông tin tuyển sinh, sẽ được các trường công bố công khai trên trang tin điện tử của trường, đồng thời các trường cũng sẽ báo cáo thông tin tuyển sinh về Bộ. khi có đầy đủ thông tin, thì Bộ sẽ công bố công khai trên trang web của Bộ.

- Em vẫn rất lo lắng về phần đọc hiểu trong đề văn? Xin cô chỉ cho em cách học và làm bài dạng này tốt nhất? (Nguyễn Quỳnh Chi)

Cô Phạm Thị Thu Phương: Phần đọc hiểu sẽ có các câu hỏi theo các mức độ từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Văn bản đọc hiểu sẽ là một văn bản mới hoàn toàn nên cần trang bị các kĩ năng đọc hiểu. Em có thể tham khảo thêm các trang mạng.

Trực tuyến: Quan chức Bộ GD-ĐT, chuyên gia trả lời về kỳ thi quốc gia 2015
Cô Phạm Thị Thu Phương đang trả lời độc giả VTC News 


- Thưa cô, liệu với cách thức thi mới như năm nay thì đề thi dự kiến môn Văn sẽ có những phần nào. Chúng em phải học ra sao? (Nguyễn Mai Lan)

Cô Phạm Thị Thu Phương: Nhiều khả năng sẽ vẫn là 3 câu theo như cấu trúc của đề thi đại học năm 2013-2014. Để làm tốt được bài thi cần phải trang bị kĩ năng đọc hiểu văn bản, cách làm bài văn nghị luận xã hội và những bài nghị luận văn học. Trong đó, nghị luận văn học sẽ đòi hỏi học sinh phải hiểu tác phẩm chứ không chỉ đơn thuần là ghi nhớ kiến thức do thầy cô truyền thụ.


- Bộ có thể thông tin về quy định dành cho thí sinh liên thông (chưa đủ 36 tháng sau khi tốt nghiệp) như thế nào? Các bạn ấy muốn thi đại học thì sẽ phải thi như thế nào? Có ưu tiên gì không cho nhóm này?

Ông Trần Văn Kiên: Thi liên thông được quy định trong thông tư 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012 và để cập nhật thay đổi trong kỳ thi năm nay, Bộ sẽ có điều chỉnh trong thông tư này. Nếu như những em đăng ký thi để học liên thông, thì phải tuân thủ quy định trong thông tư này. Còn trường hợp thi như một thí sinh tự do bình thường, em chỉ cần đăng ký thi những môn cần thiết để xét vào các ngành của trường đại học. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề ưu tiên cho thí sinh thuộc nhóm này.


Trực tuyến: Quan chức Bộ GD-ĐT, chuyên gia trả lời về kỳ thi quốc gia 2015
Ông Trần Văn Kiên - Phó Cục trưởng Cục khảo thí Bộ GD-ĐT  


- Làm thế nào để hạn chế việc luyện thi vào các trường đại học, đặc biệt là các đại học lớn khi Bộ GD-ĐT không bắt buộc tất cả các trường phải sử dụng kết quả của kỳ thi chung?

Ông Trần Văn Kiên: Những trường không sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển thì cần phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, đáp ứng các yêu cầu được quy định trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Một trong những yêu cầu đặt ra là không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi.

- Với tư cách là một hiệu trưởng, thầy đánh giá như thế nào về đổi mới thi cử này? Theo thầy thay đổi này có giúp biến đổi quá trình dạy và học? (Trần Hùng)

Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Hiện nay có ý kiến đổi mới chương trình sách giáo khoa sau mới đổi mới thi cử, nhưng khoa học đánh giá cho phép dùng kiểm tra, đánh giá tác động dạy và học nên Bộ đang công tác đánh giá chứ không chờ đổi mới sách giáo khoa. Trường Đinh Tiên Hoàng cũng phải lấy kiểm tra đánh giá làm hàng đầu. Bộ thay đổi là tích cực, chúng ta phải hưởng ứng. Thầy không bám sát sách giáo khoa, trò tự động sáng tạo.

- Trước đây các học sinh đã quen với việc thi đại học theo khối, và các trường cũng phân ra các lớp theo ban A, B, C, D nhưng đổi mới này sẽ không còn điều đó nữa, các trường sẽ phải tổ chức lại việc dạy và học như thế nào, thưa thầy?

Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Thi đại học so với thế giới là lạc hậu nên việc thay đổi này là cần thiết. Suy ra việc học phải toàn diện, gắn thực tiễn để giải đáp vấn đề xã hội.

- Tôi có con đang học lớp 12 và đã theo học khối A từ lớp 10 để chuẩn bị thi đại học, sau khi biết được thông tin này cháu rất hoang mang, không biết phải tiếp tục ôn tập như thế nào?

 Với tư cách là chuyên gia tâm lý, mong thầy cho tôi lời khuyên để giúp cháu ổn định tâm lý. Không có gì trở ngại cả, Bộ dựa vào các khối là chính. Văn là yêu cầu tối thiểu nên học văn là không thừa, phát huy lý, hóa sang môn tự chọn.


- Sau khi thi THPT quốc gia các trường có thể dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Xin Bộ giáo dục cho về chất lượng đầu vào của thí sinh Bộ có giám sát hoặc đưa ra “mức sàn” không hay hoàn toàn do trường tự quyết? (Hoàng Hà)

Ông Trần Văn Kiên: Cũng như kỳ thi “3 chung” trước kia, đối với kỳ thi THPT quốc gia, để đảm bảo chất lượng đầu vào, sau khi có kết quả thi, Bộ cũng sẽ đưa ra ngưỡng chất lượng đầu vào làm căn cứ để các trường xét tuyển.

- Làm sao để Bộ Giáo dục biết rằng thí sinh sau khi thi ở địa phương lại không tham gia xét tuyển vào các trường Đại học, và liệu các trường đại học có từ chối hay không khi học sinh đó cũng vừa thi cùng đề, cũng tốt nghiệp? Mong Bộ nghiên cứu kỹ. (Mạnh Dũng)

Ông Trần Văn Kiên: Thứ nhất, các thí sinh thi ở các cụm thi khác nhau có các mã khác nhau, hoàn toàn có thể phân biệt được thí sinh thi ở cụm thi nào.

Thứ hai, trong kỳ thi quốc gia chủ yếu sẽ là tổ chức thi ở các cụm do trường đại học chủ trì, việc tổ chức thi ở các cụm địa phương chỉ thực hiện khi có những học sinh ở địa phương không có nguyện vọng sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, và tự nguyện đăng ký thi ở cụm địa phương.

Thực tế trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 có khoảng gần 20% số học sinh chỉ thi tốt nghiệp. Và như vậy, việc không sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào trường đại học là do thí sinh tự nguyện.


- Em muốn hỏi thi môn tự chọn thứ 4 có chịu ảnh hưởng của khối thi không? Ví dụ e chọn địa lí là môn thứ 4 và trường em thi là khối A thì em có được chọn địa lý nữa không hay phải chọn hoá là môn thứ 4 và lý là môn thứ 5 ạ? Em cảm ơn ạ. (Nguyễn Đức Trường)

Ông Trần Văn Kiên: Thứ nhất, em có thể chọn số môn thi nhiều hơn 4 môn để tăng cơ hội xét tuyển vào đại học. Nếu em có nguyện vọng xét tuyển vào một ngành mà sử dụng kết quả của môn toán, lý, hóa và môn thứ tư em đã chọn là địa lý bắt buộc em phải thi thêm lý và hóa.

- Em là học sinh khối A từ năm lớp 10, nhưng bây giờ đổi mới em phải thi thêm môn Văn, trước giờ em học văn rất kém. Hiện tại em đang rất lo lắng không biết bắt đầu ôn tập cũng như có phương pháp học tập như thế nào để đạt hiệu quả? Mong cô tư vấn. (Hoàng Tuấn Anh)

Cô Phạm Thị Thu Phương: Thứ nhất, em không cần quá lo lắng bởi môn văn vẫn chỉ dung để xét tốt nghiệp chứ không xét đại học nếu e thi khối A. Em cần dành nhiều thời gian hơn vào môn văn và bám vào kiến thức thầy cô truyền thụ trên lớp.


- Bộ giáo dục có nói đề thi sẽ ngày càng mở và khó hơn, có lẽ sẽ có các văn bản ngoài sách giáo khoa. Không biết khi gặp những văn bản chưa học bao giờ chúng em sẽ làm bài như thế nào? (Nguyễn Linh Chi)

Cô Phạm Thị Thu Phương: Bạn cũng không cần quá lo lắng vì việc này chủ yếu kiểm tra kĩ năng đọc hiểu và bạn sẽ được các thầy cô rèn luyện thêm trong năm lớp 12. Văn bản ngoài sách giáo khoa thường chỉ dung làm ngữ liệu cho câu hỏi đọc hiểu như năm 2013 chỉ chiếm 2/10 điểm. Những câu hỏi đọc hiểu thường không quá khó.

- Em thấy như đổi mới năm nay, đề văn thi tốt nghiệp sẽ khó tương đương với đề văn thi đại học. Như vậy, đối với những bạn học khối A như chúng em, không có ý định xét tuyển vào những trường đại học có môn Văn mà chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp thì nên ôn những phần kiến thức nào? (Phạm Đức Huy)

Cô Phạm Thị Thu Phương: Đề thi sẽ có sự phân hóa từ thấp đến cao, em vẫn cần phải ôn hết các dạng bài đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.