Tân GS trẻ nhất 2013: Nhận chức danh cao quý nhưng lòng trĩu buồn…

Cập nhật lúc: 22:13 09/02/2014

Tân GS trẻ nhất 2013: Nhận chức danh cao quý nhưng lòng trĩu buồn…

Tân GS trẻ nhất 2013: Nhận chức danh cao quý nhưng lòng trĩu buồn…

“Được đón nhận danh hiệu cao quý này, lòng tôi như se lại khi những ngày tháng qua, bão lũ lại tàn phá ở các tỉnh miền Trung trong đó có Hà Tĩnh quê hương tôi” - đó là chia sẻ của tân Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013 Trần Đình Hòa.

Giáo sư (GS) Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là một trong 2 người ở trong nước được đặc cách GS ngành Thủy lợi. Năm 2012, người đầu tiên được đặc cách GS  là TSKH Phùng Hồ Hải -ngành Toán học. Điều thú vị là cả 2 GS được đặc cách này đều sinh năm 1970, quê Hà Tĩnh. 
 
Tân GS trẻ nhất 2013: Nhận chức danh cao quý nhưng lòng trĩu buồn…
Tân GS Trần Đình Hòa nhận chứng nhận chức danh giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 18/11/2013.

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khổ
Chia sẻ với PV Dân trí khi nhận giấy chứng nhận giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), tân GS Trần Đình Hòa cho biết: “Tôi rất vui mừng và xúc động vì những cố gắng, nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi suốt chặng đường gian nan vất vả đầy thử thách đến nay đã được các cấp lãnh đạo, các thành viên Hội đồng CDGS các cấp, các nhà khoa học lão thành và các đồng nghiệp đã ghi nhận những đóng góp của chúng tôi. Tôi trân trọng cảm ơn tới người thân trong gia đình, các nhà thành viên HĐCDGS các cấp, thầy cô, bạn bè đồng nghiệp... đã hỗ trợ giúp đỡ tôi trong chặng đường vừa qua”.

Bồi hồi nhớ lại ký ức ngày xưa, GS Trần Đình Hòa tâm sự: “Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khổ tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bố tôi là thương binh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ làm ruộng. Để nuôi được 6 người con ăn học, bố mẹ, ngoài làm ruộng ra đã phải làm thuê lo đủ ăn cho từng bữa. Nhưng vẫn động viên cả nhà cố gắng để cho được học đến đại học”.

Có lẽ, tuổi thơ nghèo khó, quê hương nghèo khó đã luôn ám ảnh trong tâm trí của GS Hòa, thôi thúc anh trong từng bước đường sự nghiệp. Phát biểu tại buổi lễ nhận chức danh giáo sư, GS Trần Đình Hòa lặng buồn: “Về cá nhân tôi, nhìn lại quá trình phấn đấu của mình để được đón nhận danh hiệu cao quý này, lòng tôi như se lại khi những ngày tháng qua, bão lũ lại tàn phá ở các tỉnh miền trung trong đó có Hà Tĩnh quê hương tôi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, ở miền quê mà luôn chung sống với lũ lụt và hạn hán, tôi luôn trăn trở phải làm điều gì đó có ý nghĩa để giúp cho quê hương và đó cũng là mối lương duyên đến với ngành Thủy lợi”.

 
Tân GS trẻ nhất 2013: Nhận chức danh cao quý nhưng lòng trĩu buồn…
Tân GS trẻ nhất Việt Nam năm 2013: "Trong nghiên cứu khoa học phải hết sức trung thực, khách quan và kiên trì".

Số phận gắn với Thủy lợi
 
Tốt nghiệp Trường ĐH Thủy lợi năm 1992, GS Trần Đình Hòa về công tác tại Viện Khoa học Thủy lợi (nay là Viện KHTL Việt Nam). Trải qua hơn 20 năm với niềm đam mê và lăn lộn với công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với những năm tháng miệt mài và tận tâm với nghề, GS Hòa đã cùng các đồng nghiệp đạt được một số kết quả bước đầu mang lại lợi ích thiết thực nhất định cho ngành Thuỷ lợi của nước nhà. Giải thưởng cao quý nhất của nhà nước mà GS Trần Đình Hòa (đồng tác giả) là Giải thưởng Hồ Chí Minh “Đặc biệt xuất sắc về Khoa học Công nghệ” cho Cụm công trình: Ngăn sông đập Trụ đỡ và đập Xà lan, năm 2012.
 
“Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục đổi mới và ban hành các quy định, quy chế cụ thể, thật sự đi vào cuộc sống; tạo dựng được môi trường làm việc thẳng thắn, cởi mở và chuyên nghiệp giúp các nhà giáo, nhà khoa học lấy công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học là mục đích duy nhất, là khởi nguồn của mọi đam mê khoa học, là động lực lớn lao nhất trong công việc hàng ngày” - tân GS Trần Đình Hòa kiến nghị.
Đối với nghề nghiệp, có lẽ mỗi người một nghề và đó là số phận. Khiêm tốn nói về mình, GS Hòa cho hay: Tôi cũng luôn ý thức sâu sắc rằng, có được những thành quả đó, bên cạnh những nỗ lực của cá nhân, tôi thấy rất may mắn đã được làm việc trong một “tập thể lớn”, được tiếp xúc với những nhà lãnh đạo tài giỏi và tâm huyết như GS Nguyễn Tuấn Anh, GS Đào Xuân Học, những người thầy đáng kính như GS Trương Đình Dụ, GS Trần Đình Hợi  và những người anh mẫu mực như PGS Nguyễn Quốc Dũng, PGS Vũ Đình Hùng... cùng các đồng nghiệp, cộng sự hết sức nhiệt tình say mê với công việc như TS Trần Văn Thái, ThS Thái Quốc Hiền... Đặc biệt, được trực tiếp đối mặt giải quyết những vấn đề “lớn” của ngành Thủy lợi, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay. Tuy nhiên, những kết quả mà chúng tôi đạt được là rất nhỏ bé trước những gì mà người dân và các thế hệ cán bộ, nhà khoa học ngành Thủy lợi đã làm được cho đất nước.
 
Nói về môi trường làm việc, theo GS Hòa, làm việc ở trong nước hay nước ngoài không phải là điều quan trọng nhất, vấn đề là mình có phát huy, cống hiến được nhiều nhất cho nghề nghiệp mà mình đã gắn bó hay không.

Các nhà khoa học vẫn đang mắc nợ với nhân dân
Được làm việc trong mồi trường tốt, được cống hiến rất nhiều nhưng GS Hòa luôn trăn trở về những vấn đề khoa học mà các nhà khoa học trong ngành vẫn đang còn mắc nợ với nhân dân - đó là làm sao để hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của trong lũ lụt, hạn hán, thiên tai - đó là phải làm sao cho “Đất và Nước” được hài hòa tạo ra hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất như lời Bác Hồ đã dạy. Tất nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản có thể giải quyết được trong một sớm, một chiều - GS Hòa nhận định.

Chia sẻ về công tác NCKH, GS Hòa cho hay, trong NCKH hay bất cứ ngành nghề nào khác muốn có thành công đều phải có lòng đam mê với nghề, tâm huyết với nghề, làm việc nhiệt tình có trách nhiệm. Đặc biệt trong NCKH phải hết sức trung thực, khách quan và kiên trì.

 
GS Trần Đình Hòa (
GS Trần Đình Hòa (thứ 4 từ phải qua) tại công trình Thủy lợi kênh Xà No (Hậu Giang).

Giải thích tại sao hiện nay nhiều bạn trẻ Việt Nam không thích NCKH, GS Hòa cho rằng: “Không phải giới trẻ Việt Nam không thích NCKH. Truyền thống Việt Nam là đất học, trong việc học có cả phần nghiên cứu. Nhiều người trẻ vẫn rất thích nghiên cứu nhưng hoàn cảnh thực tế phải lo toan cuộc sống buộc họ phải chọn cho mình rẽ sang một con đường khác “thực tế” hơn và đi chệch mong muốn mà họ đã từng có.

“Không phải ai cũng có thể làm nhà khoa học, cũng như không phải ai cũng có thể trở thành doanh nhân giỏi, do đó điều quan trọng là phải tự đánh giá khả năng, năng lực, sở trường của mình để chọn lựa nghề nghiệp cho phù hợp. Điều quan trọng là ở bất cứ ngành gì, lĩnh vực hay nghề nghiệp gì cũng cần có đam mê, trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Trong xã hội, đóng góp lớn hay nhỏ, khoa học hay sản xuất, lý luận hay thực tiễn đều có giá trị và đều được trân trọng và ghi nhận. Hãy cố gắng, kiên trì nỗ lực hết mình với ngành nghề và công việc mình đã chọn thì thành công sẽ đến với mình” - GS Hòa chia sẻ.

 
Tân GS Trần Đình Hòa, người duy nhất được đặc cách GS năm 2013 hiện là Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Giáo sư Hòa đã tham gia các công trình đoạt giải thưởng lớn như:

+ Nhóm tác giả Giải khuyến khích giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2004 cho Công nghệ Đập Trụ Đỡ;
Đồng tác giả Giải ba giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2006 cho Công nghệ Đập Xà Lan Di Động;
Đồng tác giả: Giải nhất “Giải thưởng Công nghệ ACECC” của Hội đồng điều phối xây dựng châu Á – Thái Bình Dương (ACECC) năm 2007, cho “Công nghệ đập Xà Lan di động”.
Đồng tác giả: Giải thưởng Hồ Chí Minh “Đặc biệt xuất sắc về Khoa học Công nghệ” cho Cụm công trình: Ngăn sông đập Trụ đỡ và đập Xà lan, năm 2012 ;
Đồng tác giả: Giải thưởng Bông lúa vàng Bộ NN&PTNT năm 2013.
Đồng tác giả: 02 bằng độc quyền sáng chế.
Chủ trì và tham gia hơn 20 đề tài nghiên cứu các cấp, các công trình đề tài nghiên cứu KH.
Ngoài ra, GS Trần Đình Hòa, chủ trì và tham gia hơn 20 đề tài nghiên cứu các cấp, các công trình đề tài nghiên cứu khoa học khác.